Trong thời gian qua, nhờ ứng dụng khoa học và kỹ thuật hiện đại, ngành xây dựng đã có được những bước phát triển rất nhanh chóng. Ngày càng có nhiều phương án thi công ưu việt được áp dụng giúp nâng cao chất lượng công trình và tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư. Trong đó, sàn không dầm là giải pháp xây dựng xanh được áp dụng rất phổ biến. Vậy, sàn không dầm là gì, cấu tạo và ưu nhược điểm của loại sàn này như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây!
Nội Dung Chính
- 1 1. Định nghĩa sàn không dầm là gì ?
- 2 2. Cấu tạo cơ bản của sàn không dầm là gì?
- 3 3. Phân loại sàn không dầm
- 4 4. Ưu điểm, nhược điểm của sàn bê tông cốt thép không dầm
- 5 5. Ứng dụng của sàn không dầm
- 6 6. Cách thiết kế và thi công sàn không dầm qua các bước
- 7 7. Một số câu hỏi thường gặp về sàn không dầm
1. Định nghĩa sàn không dầm là gì ?
Sàn không dầm (tên gọi khác – sàn hộp, sàn phẳng không dầm) là loại sàn sử dụng kết cấu hộp rỗng và lưới thép để chịu lực thay thế hoàn toàn cho các thanh dầm ngang và dầm dọc nâng đỡ như các loại sàn bê tông truyền thống. Sàn không dầm giúp giảm thời gian thi công, tiết kiệm nguyên vật liệu và gia tăng tính thẩm mỹ cho công trình xây dựng nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực không hề thua kém sàn bê tông truyền thống.
Công nghệ này được phát triển bởi các quốc gia có trình độ xây dựng rất phát triển như: Mỹ, Nga, Italia,… và dần được ứng dụng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới trong đó có cả các công trình tại Việt Nam. Đây là phương án xây dựng hiện đại rất phù hợp với xu hướng phát triển xanh và bền vững trong ngành xây dựng hiện nay.
2. Cấu tạo cơ bản của sàn không dầm là gì?
Về cơ bản, sàn không dầm được cấu tạo từ 3 lớp vật liệu chính: lớp thép gia cố, hộp nhựa rỗng và bê tông. Trong đó, lớp thép gia cố được thiết kế 3 lớp, lớp trên, lớp giữa và lớp dưới giúp cố định các hộp rỗng và gia tăng tính chịu lực theo phương ngang cho công trình. Lớp nhựa rỗng giúp tạo khoảng không rỗng bên trong sàn giúp giảm lượng vật liệu và trọng lượng của sàn. Cuối cùng là lớp bê tông giúp liên kết các vật liệu và gia tăng khả năng chịu nén, chịu uốn cho sàn.
3. Phân loại sàn không dầm
Hiện nay, tại Việt Nam có 3 loại sàn không dầm được sử dụng phổ biến cụ thể như sau:
- Sàn rỗng NEVO: sàn sử dụng các khối hình chóp cụt (được làm từ nhựa tái chế) để tạo khoảng rỗng giúp tiết kiệm chi phí và giảm trọng lượng của sàn. Đây là công nghệ được phát triển bởi tập đoàn GeoPlast(Ý) và được sử dụng rất phổ biến hiện nay.
- Sàn Bubbledeck: đây là kết cấu sàn không dầm sử dụng các quả bóng tròn được lắp ghép bên trong kết cấu thép nhằm tạo khoảng không rỗng và tạo kết cấu chịu lực vững chắc cho sàn.
- Sàn Cobiax: đây là loại sàn có nhiều khả năng chịu lực tốt hơn so với sàn bóng. Các khối rỗng của sàn sẽ được lắp ráp và lồng ghép trực tiếp tại khu vực xây dựng giúp thay đổi chiều dài lớp bóng để tăng khả năng chịu lực của sàn.
4. Ưu điểm, nhược điểm của sàn bê tông cốt thép không dầm
4.1 Ưu điểm của sàn không dầm là gì ?
Sàn bê tông cốt thép không dầm có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các giải pháp sàn hiện có trên thị trường và hiện đã được ứng dụng rất phổ biến nhờ các ưu điểm nổi bật như sau:
- Tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu: sàn bê tông cốt thép không dầm sử dụng ít vật liệu hơn (khoảng 20%), thời gian thi công nhanh hơn (từ 2 đến 3 ngày) so với Giải pháp sàn dầm bê tông truyền thống giúp chủ đầu tư tiết kiệm nhiều nguồn lực trong quá trình xây dựng.
- Giảm trọng lượng của công trình: do có kết cấu hộp rỗng nên sàn không dầm thường nhẹ hơn rất nhiều so với sàn dầm bê tông truyền thống từ đó tăng độ bền và chống động đất hiệu quả.
- Gia tăng tính thẩm mỹ: sàn không dầm giúp công trình có mặt sàn phẳng vượt nhịp lớn giúp tạo không gian rộng rãi phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công: sàn không dầm không tốn nhiều thời gian cho công tác cốt thép, cốp pha dầm như giải pháp sàn dầm bê tông truyền thống – là những công tác chiếm nhiều thời gian nhất trong việc thi công kết cấu sàn, nên rút ngắn được tiến độ thi công cho quá trình thi công kết cấu công trình.
- Linh hoạt về công năng: sàn không dầm với hệ dầm chìm trực giao trong kết cấu sàn, giúp cho sàn chịu lực hai phương, tăng độ cứng, từ đó có thể linh hoạt xây tường trên bất kỳ vị trí nào trên bề mặt sàn mà không cần phải canh đúng vị trí dầm như giải pháp sàn dầm bê tông truyền thống.
- Tăng chiều cao thông thủy: sàn không dầm với đặc trưng phẳng bề mặt đáy và không dùng hệ dầm chịu lực nên chiều cao thông thủy của mỗi tầng nhà được tăng lên so với giải pháp sàn dầm bê tông truyền thống.
- Khả năng cách âm, cách nhiệt tốt: nhờ có các hộp tạo rỗng trong sàn, đồng thời được coi là các đệm không khí nằm trong sàn, nên sàn không dầm cho khả năng cách âm, cách nhiệt tốt.
4.2 Nhược điểm của sàn không dầm là gì ?
Bên cạnh các ưu điểm nổi bật như trên, sàn bê tông cốt thép không dầm còn có một số nhược điểm như sau:
- Đẩy nổi: sàn không dầm có kết cấu phức tạp hơn so với sàn bê tông truyền thống. Bởi vậy, nếu quá trình thi công không đảm bảo, sàn có thể bị xô xệch hoặc bị đẩy nổi tấm sàn. Từ đó, chiều dày và kết cấu thiết kế ban đầu không được đảm bảo có thể ảnh hưởng không tốt đến thẩm mỹ và chất lượng của sàn sau khi hoàn thiện.
- Rỗ đáy: nếu trong quá trình thi công, độ sụt bê tông không đảm bảo hoặc công tác đầm dùi không thực hiện đúng kỹ thuật, phần đáy sàn có thể bị hiện tượng rỗ đáy gây mất thẩm mỹ ảnh hưởng đến chất lượng và kết cấu chịu lực của sàn sau này.
5. Ứng dụng của sàn không dầm
Nhờ có thiết kế ưu việt và đem lại nhiều lợi ích khác biệt so với sàn dầm bê tông truyền thống, kết cấu sàn không dầm ngày càng được sử dụng trong các công trình xây dựng hiện nay. Trong đó, các công trình cần mặt sàn phẳng lớn như: bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, nhà mặt phố, villa, biệt thự hoặc các công trình nhà dân cần mặt sàn lớn để kinh doanh là các công trình được ứng dụng sàn không dầm phổ biến nhất.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Xây dựng NEVO Việt Nam (NEVO Việt Nam) là đơn vị tư vấn thiết kế và thi công sàn không dầm NEVO với nền tảng là các giải pháp sàn không dầm tiên tiến đến từ châu Âu. Sản phẩm của NEVO Việt Nam đã có mặt tại rất nhiều công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp trọng điểm tại Việt Nam. Để biết thêm chi tiết và nhận tư vấn thi công sàn không dầm, bạn có thể liên hệ trực tiếp NEVO Việt Nam để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.
6. Cách thiết kế và thi công sàn không dầm qua các bước
Về cơ bản, quá trình thiết kế và thi công sàn không dầm sẽ được thực hiện qua các bước như sau:
Bước 1: Đầu tiên, chúng tôi sẽ gia công và lắp đặt hệ thống cốp pha sàn theo bản vẽ thiết kế để đảm bảo sự chính xác và độ bền của công trình.
Bước 2: Sau đó, chúng tôi tiến hành lắp đặt các loại thép như dầm, dầm bo sàn xung quanh và các chi tiết chờ, lắp đặt thép sàn lớp dưới và rải thép gia cường lớp dưới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lắp đặt các con kê để đảm bảo chiều dày của lớp bê tông bảo vệ theo thiết kế.
Bước 3: Tiếp theo, chúng tôi lắp đặt coppha NEVO và liên kết chúng bằng thanh nối ở giữa 2 hộp. Sau đó, chúng tôi đặt hộp và cố định chúng theo bản vẽ thiết kế và buộc cố định thép gia cường lớp dưới đã được đặt chờ ở trên vào các rãnh hộp theo thiết kế.
Bước 4: Sau khi hoàn thành bước 3, chúng tôi sẽ tiến hành gia công và lắp đặt thép lưới lớp trên, thép chống cắt, chống chọc thủng, thép mũ cột và các loại thép gia cường khác theo thiết kế.
Bước 5: Tiếp theo, chúng tôi sẽ đổ bê tông lớp 1 vào giữa khe 2 hộp và dùng đầm dùi để đầm vừa đủ theo đúng tiêu chuẩn để bê tông chèn kín phần đáy hộp.
Bước 6: Sau khi lớp bê tông thứ nhất đủ se cứng để giữ được hộp nhưng vẫn còn giữ được khả năng bám dính, liên kết với lớp bê tông thứ 2 (độ sụt tầm 6-7cm), chúng tôi tiến hành đổ bê tông lớp thứ 2 hoàn thiện bề mặt sàn.
Bước 7: Để đảm bảo chất lượng công trình, chúng tôi sẽ bảo dưỡng bê tông theo đúng yêu cầu và thời gian quy định.
Bước 8: Khi kết cấu bê tông đủ cường độ theo yêu cầu, tiến hành tháo dỡ cốp pha. Việc này cần được thực hiện cẩn thận và chính xác để đảm bảo sự an toàn cho công trình và người lao động. Sau khi tháo dỡ xong, kiểm tra kết cấu bê tông, bề mặt sàn để đảm bảo không có lỗi kỹ thuật. Nếu phát hiện lỗi, cần sửa chữa và bảo trì để đảm bảo độ bền và an toàn cho công trình.
Cuối cùng, hoàn tất quy trình thi công sàn hộp NEVO theo đúng kỹ thuật và bàn giao cho khách hàng sử dụng.
7. Một số câu hỏi thường gặp về sàn không dầm
Sàn không dầm dày bao nhiêu ?
Để xác định độ dày phù hợp khi thi công sàn không dầm, đơn vị thi công thường dựa vào: kích thước, khoảng cách các nhịp và chiều cao, tải trọng của công trình xây dựng. Thông thường đối với các công trình xây dựng dân dụng đơn giản, độ dày sàn không dầm sẽ dao động từ 210mm đến 290mm. Đối với các công trình lớn hơn, sàn không dầm sẽ được thi công dày hơn nhằm đảm bảo khả năng chịu lực, độ dày cơ bản sẽ là 340mm, 390mm hoặc 450mm.
Xây tường trên sàn không dầm được không ?
Về bản chất, sàn không dầm là sàn bê tông cốt thép chịu lực theo 2 phương, với hệ dầm chìm trong sàn, đan xen vuông góc bởi các rãnh hộp. Do vậy, bạn hoàn toàn có thể an tâm xây tường trên sàn không dầm tại bất kỳ vị trí nào mà không cần canh vào đúng vị trí dầm sàn như giải pháp sàn dầm bê tông truyền thống.
Tổng kết lại, trong bài viết này, chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu một số kiến thức cơ bản về sàn không dầm. Mong rằng, sau khi đọc bài viết, bạn đã hiểu sàn không dầm là gì, trước khi quyết định sử dụng sàn không dầm cho công trình của mình. Nếu bạn cần thêm thông tin về sàn không dầm, hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ hoàn toàn miễn phí nhé!
XEM THÊM: SÀN HỘP là gì? Hướng dẫn thi công sàn hộp chi tiết từ A – Z